XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN NGÀNH DỆT MAY VIỆT NAM

0345456567

XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN NGÀNH DỆT MAY VIỆT NAM

    Trong bối cảnh quốc tế và trong nước cũng như trước những cơ hội và thách thức như đã phân tích ở trên, trong thời gian tới, ngành dệt may Việt Nam sẽ phát triển theo hướng hình thành và phát triển chuỗi cung ứng trong nước nhằm đáp ứng quy tắc xuất xứ và tận dụng các FTAs đã ký kết.

    Trong bối cảnh quốc tế và trong nước cũng như trước những cơ hội và thách thức như đã phân tích ở trên, trong thời gian tới, ngành dệt may Việt Nam sẽ phát triển theo hướng hình thành và phát triển chuỗi cung ứng trong nước nhằm đáp ứng quy tắc xuất xứ và tận dụng các FTAs đã ký kết, qua đó góp phần tăng hàm lượng giá trị gia tăng trong nước, dần dần cải thiện năng suất lao động và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành dệt may. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dệt may cũng sẽ tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, đổi mới mô hình kinh doanh phù hợp với xu thế tiêu dùng mới. Phần này sẽ phân tích một số xu hướng phát triển chính của ngành dệt may Việt Nam trong giai đoạn tới.

    1. Xu hướng thị trường

    a. Thị trường toàn cầu

        May mặc, giày dép là mặt hàng tiêu dùng không thể thiếu của con người. Ngay cả khi có trào lưu tiêu dùng xanh thì mức chi tiêu toàn cầu cho các mặt hàng này vẫn tiếp tục tăng lên. Như đã trình bày ở phần trên, thị trường dệt may thế giới sẽ đạt trên 2 nghìn tỷ USD vào năm 2025, và thị trường tiêu thụ chính sẽ dịch chuyển từ Hoa Kỳ và EU sang Trung Quốc và Ấn Độ. Khi đó, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ giảm xuất khẩu, và chuyển từ thị trường xuất khẩu sang thị trường nhập khẩu hàng may mặc, giầy dép, mở ra cơ hội cho các nước đi sau, trong đó có Việt Nam. Năm 2017, Trung Quốc đã gia nhập nhóm các thị trường nhập khẩu trên 1 tỷ USD hàng dệt may từ Việt Nam.

    Bên cạnh xu hướng mở rộng quy mô và dịch chuyển trung tâm tiêu dùng hàng may mặc, nhờ công nghệ thông tin phát triển và dữ liệu lớn (big data), thị trường toàn cầu còn chứng kiến sự thay đổi và đa dạng hoá về thói quen tiêu dùng hàng may mặc, đó là xu hướng thời trang nhanh (rút ngắn thời gian đưa sản phẩm từ khâu thiết kế đến tay người tiêu dùng) đi cùng với xu hướng thời trang chậm (tiêu dùng xanh, sản phẩm may mặc thân thiện môi trường), và đa dạng hoá về nguyên liệu, ứng dụng công nghệ mới vào các sản phẩm dệt may (vải giữ nhiệt, vải điều hoà không khí nhiệt độ, vải khử mùi, vải tự làm sạch, v.v…). Phân tích và dự báo, cập nhật thông tin thị trường là nhu cầu thiết yếu để các doanh nghiệp trong nước có thể bắt kịp xu hướng phát triển của ngành dệt may toàn cầu. 

    b. Thị trường trong nước

        Với quy mô dân số đạt trên 95 triệu dân năm 2020 và trên 100 triệu dân vào năm 2030, Việt Nam sẽ là thị trường tiêu dùng hàng dệt may tiềm năng cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thu nhập bình quân đầu người tăng lên, cùng với sự gia tăng của nhóm dân số trung lưu hứa hẹn mức chi tiêu cho các mặt hàng may mặc tăng trưởng nhanh hơn. Cụ thể, số liệu khảo sát mức sống hộ gia đình của GSO cho biết mức chi bình quân cả nước của một nhân khẩu trong 1 tháng cho các mặt hàng may mặc, mũ nón, giày dép đã tăng từ 21.000 đồng năm 2006 lên 74.000 đồng năm 2016, trong đó chi tiêu của nhân khẩu ở thành thị trong cùng giai đoạn tăng từ 31.000 đồng lên 106.000 đồng. Nhìn chung, chi tiêu cho các mặt hàng may mặc, giày dép chiếm từ 3-4% trong tổng chi tiêu của 1 nhân khẩu trong 1 tháng. Như vậy, hiện nay quy mô thị trường tiêu dùng hàng may mặc, giày dép trong nước đạt khoảng 4-5 tỷ USD/năm, và dự kiến sẽ tăng lên 6-7 tỷ USD vào năm 2020. 

    Mặc dù có quy mô không nhỏ, nhưng hiện nay các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa làm chủ được thị trường trong nước do phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu hoặc hàng gia công không rõ xuất xứ. Thị trường trong nước và người tiêu dùng cần được bảo vệ bằng những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để vừa đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, vừa đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng cho doanh nghiệp. 

    2. Xu hướng về khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực dệt may

    a. Các hàng rào kỹ thuật và yêu cầu mới đối với sản phẩm dệt may

        Quá trình sản xuất ra các sản phẩm quần áo, giầy dép tạo ra những chất thải gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, tồn dư hoá chất trong các sản phẩm này trong quá trình sản xuất cũng có khả năng ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng. Là ngành thâm dụng lao động, nên việc sử dụng lao động và điều kiện lao động tại các cơ sở sản xuất cũng ngày càng thu hút sự quan tâm của xã hội. Chính vì vậy, các hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng trong toàn bộ quy trình sản xuất, cũng như các điều kiện về môi trường lao động ngày càng trở nên khắt khe. 

    Những yêu cầu này vừa là thách thức đối với những doanh nghiệp cạnh tranh bằng giá nhưng cũng là cơ hội cho những doanh nghiệp cạnh tranh bằng chất lượng, bằng sự linh hoạt và năng lực đáp ứng những yêu cầu của xu thế mới (tiêu dùng xanh, bền vững…). Trong khi hàng may mặc xuất khẩu phải đáp ứng hàng loạt tiêu chí về môi trường, an toàn, thì việc kiểm soát hàng may mặc nhập khẩu gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do nhập khẩu qua đường tiểu ngạch. Số liệu thống kê cho thấy mỗi năm Việt Nam chỉ nhập khẩu chính ngạch chưa đến 500 triệu USD, trong đó hơn một nửa là từ Trung Quốc, và thị phần trong nước của các doanh nghiệp không nhiều, nhưng tiêu dùng trong nước cho các mặt hàng quần áo, giầy dép là khoảng 4-5 tỷ USD. Khoảng cách này cho thấy thị trường trong nước vẫn đang bị bỏ ngỏ và các biện pháp bảo vệ thị trường trong nước chưa thực sự phát huy hiệu quả.    

    b. Công nghệ mới trong ngành dệt may

    Công nghiệp 4.0 cung cấp thêm nhiều lựa chọn cho doanh nghiệp dệt may ứng dụng các công nghệ mới giúp tăng năng suất và hiệu quả sản xuất. Công nghệ phổ biến nhất của công nghiệp 4.0 sẽ được áp dụng trong các ngành công nghiệp nói chung và ngành dệt may nói riêng là công nghệ số hoá kết hợp với tự động hoá và internet vạn vật nhằm tăng cường tính minh bạch và kiểm soát chất lượng, cắt giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu suất và năng suất, chất lượng. Cũng nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin trong thời kỳ công nghiệp 4.0, sự gắn kết với thị trường, khách hàng tiềm năng cũng sẽ được cải thiện. Các giải pháp công nghệ này sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện năng lực cạnh tranh, tiếp cận nhanh hơn với thị trường toàn cầu. Bên cạnh đó, ngành dệt may cũng phải thích ứng với xu thế tiêu dùng mới của xã hội trong ngành dệt may, đó là xu hướng tiêu dùng xanh và bền vững, sản phẩm may mặc chất lượng cao tích hợp nhiều tính năng ở các thị trường phát triển. Cùng với xu thế này là các nguyên vật liệu mới (xơ sợi hữu cơ, vải đa tính năng…) và các công nghệ mới để sản xuất ra các loại nguyên vật liệu này. 

    Ngoài khả năng ứng dụng vào sản xuất, công nghệ thông tin và các công nghệ mới của CMCN4 cũng tạo cơ hội hình thành các phương thức giao dịch, bán hàng mới, thể hiện rõ nhất qua thương mại và giao dịch điện tử. Cùng với sự tiến bộ và ứng dụng của công nghệ thông tin, số hoá trong sản xuất, việc mặc thử và tìm hiểu, đánh giá chất lượng sản phẩm không đòi hỏi người tiêu dùng phải đến tận cửa hàng và kiểm tra trực tiếp sản phẩm mà có thể thực hiện qua mạng. Những công nghệ mới này cho phép sự phát triển và tăng trưởng mạnh mẽ của hoạt động thiết kế phát triển mẫu mã, hoạt động mua bán các sản phẩm dệt may qua mạng; dịch vụ thương mại và giao dịch điện tử đối với hàng may mặc sẽ phát triển nhanh chóng đòi hỏi phải có khung pháp lý điều chỉnh các hoạt động này và các chính sách phát triển phù hợp nhằm bảo vệ người tiêu dùng và các nhà sản xuất.

    0
    Zalo
    Hotline